Cuộc đời Lưu_Cứ

Thuở thiếu thời

Tuy là con trai trưởng của Hán Vũ Đế nhưng Lưu Cứ chào đời tương đối muộn vào năm Nguyên Sóc nguyên niên (128 TCN) khi Vũ Đế đã 29 tuổi[1], mẹ ông là Vệ Tử Phu do "mẹ quý nhờ con" mà cũng lên làm Hoàng hậu. Trước khi sinh Lưu Cứ, Vệ Hoàng hậu cũng đã hạ sinh được ba vị công chúa là Vệ Trưởng công chúa, Thạch Ấp công chúaChư Ấp công chúa[2]. Tư Mã Trinh trong cuốn Sử ký tắc ẩn có nói:「"Con trai của Vệ Tử Phu gọi là Vệ Thái tử, con gái là Vệ Trưởng công chúa. Là con gái cả của Hoàng hậu, nên gọi Trưởng công chúa, không phải ý chỉ chị em gái của Hoàng đế"」[3], vì vậy đương thời Lưu Cứ hay được gọi là [Vệ Thái tử].

Năm Nguyên Thú nguyên niên (122 TCN), khi đã được 7 tuổi, Hán Vũ Đế chính thức lập ông làm Hoàng thái tử[4]. Khi thành niên, Hán Vũ Đế dốc lòng muốn một Thái phó uyên thâm để giảng dạy cho Lưu Cứ. Từ khi còn là Thái tử, Vũ Đế đã được Hán Cảnh Đế tìm một gia sư cực kỳ nghiêm khắc là Thạch Phấn (石奋), một cựu thần tận thời Hán Cao Tổ Lưu Bang, năm 15 tuổi đã theo phò Cao Tổ. Vì công lao phục vụ đời đời này, nhà họ Thạch con cháu đều làm quan đến 2.000 thạch, thế xưng "Vạn Thạch Quân" (万石君)[5]. Thời Lưu Cứ trưởng thành, Thạch Phấn đã qua đời, con cả vì để tang cha mà cũng mệt rồi mất, chỉ còn con thứ là Thạch Khánh (石慶), đương khi ấy vẫn làm còn Thái thú của đất Phái[6]. Lúc này, Hán Vũ Đế sùng bái học thuyết "Công Dương" đề cao tính Đế vương và chủ trương bình định thiên hạ, nên dặn sĩ phu giảng dạy cho Lưu Cứ chú trọng vào, đọc Công Dương truyện, học thuyết Công Dương cũng từ đây hưng thịnh. Đợi sau khi Lưu Cứ học xong Công Dương truyện, nhưng bản tính ông chuộng tri thức uyên thâm nên rất thích Cốc Lương truyện giảng giải về lý luận, do vậy ông lén lút thỉnh giáo Hà Khâu Giang Công, một học sĩ đương thời nổi tiếng và được đề cao không thua kém gì người biên tập Công Dương truyện là Đổng Trọng Thư[7][8].

Khi Lưu Cứ dần trưởng thành, Hán Vũ Đế đặc biệt cho dựng một nơi gọi là Đông Cung cho ông, nằm ở phía Nam của Trường An, đặt làm Bác Vọng uyển (博望苑), mang ý "Uyên bác quan vọng"[9]. Tuy bản thân Vũ Đế không thích thần tử kết giao khách khứa[10], nhưng ông đã ban cho Lưu Cứ nơi ấy, lại cho phép kết giao người khác khắp thiên hạ, tự gầy dựng mối quan hệ và thế lực, do đó ngày càng có nhiều tứ phương bác sĩ theo về Lưu Cứ[11]. Mà xem cách Lưu Cứ kết giao, rất nhiều người không hỏi xuất thân[12].

Thái tử nhân đức

Với vai trò người kế vị, từ năm Nguyên Đỉnh thứ 4 (113 TCN), tức khoảng hơn 15 tuổi, Lưu Cứ thành hôn với Sử lương đệ và sinh Hoàng tôn Lưu Tiến, từ đấy Thái tử Lưu Cứ bắt đầu chính thức trưởng thành và tham gia vào các công việc triều chính. Sử sách ghi nhận Thái tử Lưu Cứ tính tình ôn hòa, thương dân và thiếu tài trị nước, trái hẳn với cha mình, nên thường sinh ra mâu thuẫn. Ông thường khuyên can cha nên bớt gây chiến tranh với các nước khác, nhưng Vũ Đế thường không hài lòng. Cùng với đó Vệ Hoàng hậu nhan sắc ngày một kém và các vị phu nhân khác như Vương phu nhân sinh Tề Hoài vương Lưu Hoành, Lý Cơ sinh Yến vương Lưu Đán và Quảng Lăng Lệ vương Lưu Tư, Lý phu nhân còn đột ngột đoạt sủng sinh Xương Ấp Ai vương Lưu Bác, nên địa vị của mẹ con Lưu Cứ cũng giảm sút, không còn được sủng ái như trước nữa[13].

Do không được cha mình coi trọng nên Thái tử và Vệ Hoàng hậu phải dựa cậy rất nhiều vào thế lực của Đại tướng quân Vệ Thanh, em trai của Vệ hậu. Càng ngày, Vũ Đế càng biết hai mẹ con Lưu Cứ càng không yên lòng về địa vị của mình, nên gặp Vệ Thanh và nói: 「"Quốc triều của trẫm lấy quân công mà lập, ngoại di càng lấn lướt, nếu không suất chinh thì thiên hạ không yên. Nhưng nếu hậu nhân ai cũng như trẫm thì sẽ lại như vết xe đổ của triều Tần. Thái tử có tính ổn trọng đoan tĩnh, tương lai có thể lấy văn trị mà làm yên thiên hạ, sẽ không làm trẫm sầu lo. Về chuyện này, không ai mạnh bằng Thái tử. Khanh có thể chuyển ý của trẫm, khiến Hoàng hậu và Thái tử yên tâm phỏng?"」[14]. Đại tướng quân Vệ Thanh dập tạ, bèn nói lại với mẹ con Thái tử, Hoàng hậu ngay sau đó bèn cởi trang sức tự trách. Từ ấy về sau, hễ khi Thái tử khuyên can Vũ Đế không nên chinh phạt tứ phương, Vũ Đế bèn cười nói: 「"Trẫm lãnh trọng trách gian khổ, không phải để ngươi sau này an nhàn hay sao?"」[15].

Từ sau đó, mỗi khi Hán Vũ Đế có việc rời khỏi kinh sư, Lưu Cứ nắm quyền "Giám quốc", còn nội đình sẽ do Hoàng hậu chủ trương, nếu có việc tối quan trọng thì mới cần báo lên Vũ Đế, nhưng thông thường ông cũng không hỏi gì nhiều, có xu hướng giao hết cho hai mẹ con Thái tử[16]. Khi giải quyết công vụ, Lưu Cứ thường không như cha trừng trị quá nghiêm khắc quan tham, thường xuyên đem một số người bị xử quá nặng mà sửa lại giảm bớt, cũng khiến nhiều quan viên chấp pháp bất mãn. Vệ Hoàng hậu thấy con trai mình như vậy thì khuyên không nên đắc tội đại thần, khuyên con trai vẫn nên làm theo ý của Hán Vũ Đế mà không nên tùy tiện chỉnh sửa. Hán Vũ Đế nghe xong, hài lòng với cách làm của Thái tử, mà không đồng ý sự nhân nhượng sợ sệt của Vệ Hoàng hậu[17].

Bị quần thần bức ép

Bởi vì Thái tử Lưu Cứ công khai chủ trương nhân đức, mà quần thần triều Vũ Đế rất nhiều người không cùng tư tưởng với Lưu Cứ nên đã dần có nhiều phe cánh chửi bới Thái tử. Năm Nguyên Phong thứ 5 (106 TCN), Đại tướng quân Vệ Thanh qua đời, các phe phái phản đối Thái tử nhân vì thấy một Thái tử đã mất đi ngoại thích, càng không xem Thái tử ra gì. Rất nhiều kế hoạch đã được triển khai nhằm hạ bệ Thái tử[18].

Hán Vũ Đế cùng các con trai rất ít ở bên nhau, cùng Vệ Hoàng hậu cũng khó được gặp mặt. Một lần, Thái tử vào cung yết kiến Hoàng hậu, qua một thời gian rất lâu mới xuất cung. Một viên Hoàng môn[19] tên là Tô Văn tâu với Vũ Đế rằng:「"Thái tử đùa giỡn với cung nữ"」. Vũ Đế nghe vậy, tăng thêm 200 người trong cung của Thái tử. Hồi lâu sau Thái tử mới biết chuyện này, từ đó hận Tô Văn[20]. Từ đó, Hoàng môn Tô Văn, cùng Thường DungVương Bật thường xuyên âm thầm tìm kiếm khuyết điểm của Thái tử, sau đó lại đi thêm mắm thêm muối mà đem báo cáo lên Hán Vũ Đế. Vệ Hoàng hậu hận đám người Tô Văn, muốn nói con trai tâu lên cha mình xử chết cả đi, nhưng Thái tử nói:「"Chỉ cần tâm của ta không sai, sợ gì một đám Tô Văn chứ?! Hoàng thượng thánh minh, sẽ không vì những lời này nghi kị con!"」. Một lần, Vũ Đế thấy không khỏe, sai Thường Dung truyền Thái tử đến. Sau đó, Thường Dung về báo cáo nói:「"Thái tử mặt mày vui vẻ"」, Vũ Đế im lặng không nói gì. Khi Thái tử vào, hốc mắt đã hơi ướt, nhưng lại ráng cười vui vẻ, Vũ Đế cảm thấy kì quái nên mới cử riêng người điều tra. Sau khi tra ra sự thực, đem Thường Dung giết đi. Vệ Hoàng hậu từ đó thường cẩn thận phòng bị, dù nhan sắc phai tàn mất đi sủng ái, nhưng vẫn được Vũ Đế tôn trọng như trước[21].

Những năm Thái Thủy, người nước Triệu là Giang Sung đã tố giác Triệu Thái tử Lưu Đan, con trai của Triệu vương Lưu Bành Tổ, do vậy được Hán Vũ Đế trọng dụng. Có một lần, Lưu Cứ sai sứ giả đến Cam Tuyền cung thăm hỏi Vũ Đế, trên đường gặp Giang Sung cũng đang đi theo Vũ Đế đến Cam Tuyền cung. Sứ giả của Lưu Cứ khi ấy đang chạy xe trên Trì đạo (驰道), mà đây là đường độc nhất chỉ dành cho Thiên tử, quần thần dám đi là tội chết, do vậy Giang Sung sai người bắt giam sứ giả của Lưu Cứ. Biết chuyện, Lưu Cứ đến chỗ Giang Sung mà xin lỗi, nói: 「"Không phải ta tiếc của ngựa xe, chỉ là không nghĩ Bệ hạ biết chuyện, lại rằng ta quản giáo thủ hạ không nghiêm. Hi vọng Giang Quân lượng thứ"」. Nhưng Giang Sung vẫn tấu lên Vũ Đế, ông được Vũ Đế khen ngợi mà nói: 「"Làm thần tử, nên như thế!"」. Từ đó Giang Sung được Vũ Đế tín nhiệm rất lớn, và cũng vì vậy mà tạo nên sự hiềm khích khởi đầu giữa Lưu Cứ và Giang Sung[22][23][24]. Về cuối đời, Hán Vũ Đế trở nên mê tín và sợ chết, nhiều lần cất công tìm thuốc trường sinh nhưng không thành, càng tín nhiệm những lời dựa vào dị tượng của Giang Sung.